Trong bối cảnh khó khăn nửa đầu năm, loạt CEO các doanh nghiệp niêm yết đã từ nhiệm, có người chỉ ngồi “ghế nóng” vài tháng.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG), Hội đồng quản trị đã thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng giám đốc của ông Nguyễn Thanh Sơn kể từ 3/6, chỉ sau 5 tháng nhậm chức.

Ông Sơn từ nhiệm không lâu sau khi ông Nguyễn Bá Sáng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quản lý và đầu tư Trường Giang – bán thỏa thuận 21 triệu cổ phiếu AGG.

Trả lời cổ đông tại đại hội tháng 5, ông Sáng cho biết AGG luôn cởi mở với các nhà đầu tư muốn tham gia vào. Công ty này đang làm việc với các bên, bao gồm các quỹ và sẽ công bố thông tin chính thức khi hai bên hoàn tất đàm phán.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng biến động mạnh về nhân sự gần đây. Tại Công ty Nhà Thủ Đức (TDH), ông Đàm Mạnh Cường vừa từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc sau gần 2,5 năm đảm trách do khó khăn và không đáp ứng tiêu chí của công ty. TDH đang tái cơ cấu, giải quyết tồn đọng khi bị Cục thuế TP HCM áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Văn phòng Thuduc House. Ảnh: Thuduc House

Văn phòng Thuduc House. Ảnh: Thuduc House

Một trường hợp khác là CEO Hải Phát Invest (HPX), ông Đoàn Hòa Thuận, rời ghế nóng vì “bất đồng quan điểm”. Ông Thuận gia nhập Hải Phát từ năm 2017 và làm Tổng giám đốc từ 2018.

Có thị phần lớn trong ngành thuốc, Dược Hậu Giang (DHG) cũng chấp thuận cho ba lãnh đạo cấp cao từ nhiệm dù công ty đạt lợi nhuận kỷ lục năm 2023, gồm: CEO Đoàn Đình Duy Khương, Giám đốc nhân sư Vũ Thị Hương Lan, và bà Lê Thị Hồng Nhung, Giám đốc tài chính.

Các lãnh đạo doanh nghiệp từ chức chủ yếu do áp lực kinh doanh và yêu cầu tái cơ cấu khắt khe. Nhiều CEO sau khi nhậm chức đã không đáp ứng được kỳ vọng của công ty.

Chia sẻ với VnExpress, đại diện một doanh nghiệp địa ốc kể trên cho biết dù thay đổi lãnh đạo, công ty vẫn hoạt động tốt. Sắp tới, doanh nghiệp này còn lên kế hoạch ra mắt dự án bất động sản nhà ở mới tại vùng ven TP HCM giữa thời điểm nguồn cung mới tại khu vực phía Nam liên tục khan hiếm.

Dù vậy, trong số các doanh nghiệp trên, nhiều đơn vị tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, tại Thuduc House (TDH), cổ phiếu vẫn nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2023 là số âm, khiến vốn chủ sở hữu còn lại chỉ 390 tỷ đồng. Quý I năm nay, lợi nhuận sau thuế của TDH âm gần 1,7 tỷ đồng. Dược Hậu Giang (DHG) cũng ghi nhận lãi sau thuế quý I giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 222,2 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đánh giá, hoạt động kinh doanh nửa đầu năm tuy có dấu hiệu phục hồi nhẹ, vẫn chưa đạt được sự bứt phá như các năm trước. Tiêu dùng nội địa có cải thiện, nhưng phần lớn người tiêu dùng chỉ tập trung chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu, còn hàng hóa có giá trị cao vẫn trong tình trạng ngưng trệ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nói rằng nhu cầu thị trường vẫn trầm lắng. Doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn, dự báo tình hình kinh doanh trong 6 tháng cuối năm sẽ còn khó khăn hơn.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết năm nay, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 năm qua (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng và năm 2023 là 271.400 tỷ đồng).

Thi Hà – Tất Đạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *